Thiết kế sản phẩm là gì?

Tôi đã đọc một bài dịch của ai đó trước khi biết đến bản Tiếng Anh của Eric Eriksson, tuy nhiên với bản dịch đó tôi không hiểu gì cả do vậy tôi quyết định dịch bài này. Tại thời điểm dịch tôi đã nghiên cứu Thiết kế trải nghiệm người dùng được ít nhất 7 năm và cũng đã áp dụng vào trong các sản phẩm và khoá học của tôi. Nếu so với Thiết kế sản phẩm thì Thiết kế trải nghiệm người dùng cũng chỉ là một phần trong đó. Trong quá trình làm việc, tôi cũng không biết rằng mình dần dần đã làm những công việc của Thiết kế sản phẩm (phần lớn là Thiết kế khoá học) cho đến khi đọc bài này của Eric Eriksson - một bài viết tổng quan rất ngắn gọn, dễ hiểu về việc Thiết kế sản phẩm với những kinh nghiệm cụ thể từ quá trình hoàn thiện Spotify.

SinhNX

Nếu bạn đang đọc bài viết này, bạn có thể làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Bạn cũng có thể đã hoặc đang khao khát được tham gia vào quá trình tạo nên một sản phẩm trong thời đại kỹ thuật số hiện nay. Mục đích của bài viết này là giúp bạn có một cái nhìn sâu sắc về vai trò của Thiết kế sản phẩm trong quá trình tạo nên sản phẩm. Câu trả lời cho câu hỏi thế nào là một Thiết kế sản phẩm sẽ dần dần được tiết lộ. Đây là cố gắng của tôi để truyền tải sự sâu rộng, sự phong phú và hữu ích của Thiết kế sản phẩm mà vai trò đang bị đánh giá thấp một cách đáng buồn này.

Không chỉ là Thiết kế sản phẩm

Để hiểu về những gì Thiết kế sản phẩm có thể làm, chúng ta cần nhìn vào sự đa dạng về hình thức của thiết kế để tạo nên một Người Thiết kế sản phẩm giỏi, cách họ kết hợp mọi thứ với nhau giống như những gì Người nhạc trưởng có thể làm trong một buổi hòa nhạc.

Nhà thiết kế tương tác hay Nhà thiết kế trải nghiệm người dùng sẽ nghiên cứu những hành vi mẫu và tìm ra rất nhiều cách khác nhau để áp dụng chính xác mà có thể giải quyết những nhu cầu chưa được phát hiện của người dùng. Những người này có thể tạo ra và lặp lại những giải pháp này nhanh hơn hầy hết mọi người.

Nhà thiết kế đồ họa hay Nhà thiết kế trực quan làm những gì mà tất cả những người không phải là nhà thiết kế nghĩ rằng tất cả các nhà thiết kế đều làm. Điểm ảnh! Họ tạo ra những kiệt tác tuyệt đẹp về màu sắc và chiều sâu khi họ vạch ra ranh giới giữa không gian tích cực và tiêu cực. Những nhà thiết kế vẽ trên máy tính bảng họ mang theo mà không cần dùng đến máy tính xách tay. Nhà thiết kế trực quan xuất ra những thiết kế mô phỏng từ máy tính bảng [1].

Nhà thiết kế chuyển động hay Nhà thiết kế hoạt hoạ là những người tuyệt vời. Nếu bạn đã từng phải thốt lên khi thấy thanh menu thay đổi mượt mà hay cách những màn hình loading chuyển động tuyệt vời thì họ là những người đáng được khen ngợi.

Nhà nghiên cứu người dùng là những người anh hùng thực sự của việc tìm ra nhu cầu của người dùng. Họ đào sâu vào tâm trí khách hàng của bạn. Họ hỏi những câu khó trả lời, và nhận lấy tất cả những câu trả lời khó nhằn này. Nghiên cứu người dùng là nền tảng của mọi thứ. Người dùng luôn đúng.

Chuyên viên phân tích dữ liệu là những nhà khoa học của thiết kế sản phẩm. Họ chịu trách nhiệm làm kiểm thử A/B và sản phẩm thật, thu thập và tạo nên một số lượng lớn dữ liệu. Họ là những bậc thầy về tương quan và nguyên nhân. Họ là những người quyết định khái niệm thành công. Họ có thể đưa ra những mong muốn từ hàng triệu người dùng.

Nhà tạo nguyên mẫu tạo nên những trải nghiệm tương tác một cách nhanh chóng và dễ dàng. Đây là một phần không thể thiếu trong giai đoạn phát triển sản phẩm. Nguyên mẫu cho phép chúng ta thử nghiệm ý tưởng một cách nhanh chóng với chi phí rẻ nhất. Chỉ trong một ngày hoặc thậm chí vài giờ, ta có thể thử từ 15 giải pháp tiềm năng để chọn 5 hay 3 giải pháp.

Nhà chiến lược kinh doanh là những người cuối cùng trả lời câu hỏi: “Tại sao chúng ta lại làm những điều này?”. Họ xác định những giá trị kinh doanh đằng sau mỗi quyết định. Nếu bạn muốn xây dựng một cái gì đó thực sự thành công thì bắt buộc phải hiểu tại sao bạn lại làm ra nó.

Trước đây, mỗi việc trên đều là những vị trí riêng và bây giờ vẫn thế. Tuy nhiên, đó đều là những thành tố cần thiết của một Nhà thiết kế sản phẩm.
Nó cũng thay đổi theo thời gian. Đặc biệt là trong ngành công nghệ, nó ngày càng trở nên quan trọng để mở rộng kỹ năng như một người thiết kế, bao gồm một số suy nghĩ trước đây không cần thiết. Thậm chí một người như thế còn không tồn tại.

Thiết kế sản phẩm là tất cả quá trình trên

Nếu bạn tìm một Nhà thiết kế sản phẩm như một người làm cho những giải pháp của mình trông có vẻ trang trọng hơn thì hãy nghĩ lại. Nhà thiết kế sản phẩm ở đây để giúp bạn nhận định, điều tra, và xác nhận vấn đề, và cuối cùng là tạo bản nháp, thiết kế, thử nghiệm và đưa giải pháp đến với khách hàng.

Trình bày cho Nhà thiết kế sản phẩm một giải pháp nào đấy, họ sẽ chỉ ra những lỗi sai cho bạn.

Trình bày cho Nhà thiết kế sản phẩm một vấn đề, họ sẽ phân tích và tập hợp tất cả dữ liệu của người dùng đang tồn tại. Nhà thiết kế sản phẩm sẽ tập hợp một nhóm chức năng chéo từ mọi góc cạnh của công ty và động não đưa ra một giải pháp khả thi. Sau đó, họ sẽ nói chuyện với đội nghiên cứu người dùng và đặt kế hoạch kiểm thử. Họ sẽ làm việc cố gắng tạo ra bản thiết kế sơ lược sau đó là bản thiết kế chi tiết để tìm hiểu tất cả các tính năng [2]. Tiếp theo họ sẽ đưa ra những nguyên mẫu từ những ý tưởng hay nhất lại với nhau và đặt chúng ngay trước mặt người dùng để xác thực một cách nhanh chóng.

Sau đó họ sẽ đưa cho bạn một vài ý tưởng đã được hình thành đầy đủ để giải quyết vấn đề một cách hoàn hảo. Với chiến lược rõ ràng về cách thức, thời gian và những gì cần kiểm thử A/B, và cuối cùng là kế hoạch xây dựng và phát hành nên là gì. Và họ sẽ hỗ trợ các nhà phát triển đến khi ra mắt. Họ sẽ làm việc với người làm marketing để đảm bảo truyền thông phù hợp với sản phẩm. Họ sẽ quan tâm đến sản phẩm trong một thời gian dài từ khi ra mắt phiên bản đầu tiên, theo dõi dữ liệu và các số liệu để tiếp tục xác thực thiết kế này.

Một Nhà thiết kế sản phẩm sẽ thiết kế giải pháp, cho đến khi vấn đề thay đổi.

Thiết kế sản phẩm là thương hiệu của bạn

Nhóm tiếp thị của bạn chăm sóc cẩn thận thông điệp, quảng cáo và kết nối mang sản phẩm của bạn đến tất cả người dùng trên thế giới. Nếu Sản phẩm của bạn không cung cấp những gì thương hiệu của bạn hứa hẹn, những người dùng đó sẽ không dính vào. Hãy tin tôi.

Nhà thiết kế sản phẩm là người chăm sóc nền tảng mà doanh nghiệp phụ thuộc vào. Sự khác biệt giữa những gì thương hiệu của bạn hứa hẹn và những gì sản phẩm của bạn mang lại, cuối cùng điều gì sẽ khiến bạn thất bại. Điều này có nghĩa là nhóm thiết kế sản phẩm của bạn phối hợp chặt chẽ và hiểu công việc của nhóm tiếp thị của bạn là vô cùng quan trọng.

Khoảng một năm trước, chúng tôi đã thay đổi thương hiệu Spotify. Chúng tôi đã thiết kế lại logo và trang chủ hướng tới người dùng, chúng tôi đã tân trang lại phong cách quảng cáo của mình. Chúng tôi nói lời tạm biệt với những hình tượng cũ của chúng tôi và đón nhận một cách thức tiếp thị mới, lấy người dùng làm trung tâm.
Nhưng trong quá trình ấy, chúng tôi đã nhận ra khoảng cách giữa nhóm sản phẩm và nhóm tái định vị thương hiệu xa như thế nào. Những khách hàng tiềm năng đã trở nên quen hơn với cách sắp xếp hợp lý nhận diện tốt ngay lúc vào nhưng một khi họ đã bước vào trong mọi thứ vẫn nhìn và cảm nhận như một mớ lộn xộn và dơ bẩn. Do đó, bắt buộc phải dành thời gian và nỗ lực cần thiết để đưa Thiết kế sản phẩm của chúng tôi tiến vào thế kỷ 21. Xem chi tiết tại đây.

Thiết kế sản phẩm không giải quyết vấn đề của bạn

Thiết kế sản phẩm sẽ giải quyết vấn đề của người dùng theo cách có lợi nhất cho bạn. Và như tôi vừa nói với bạn đó có nghĩa là doanh nghiệp của bạn.

Một khía cạnh quan trọng của Thiết kế sản phẩm là hiểu được giá trị kinh doanh đằng sau mọi quyết định. Dữ liệu thông báo mọi thứ chúng tôi làm, nghiên cứu người dùng kiểm tra các giả định của chúng tôi và chúng tôi đo lường sự thành công của chúng tôi thông qua các số liệu kinh doanh.

Thiết kế sản phẩm là thích nghi

Chúng ta đang sống trong một thế giới phát triển rất nhanh. Tất cả chúng ta đều cảm nhận điều đó. Những điều phi thường ngày hôm qua sẽ là bình thường với hôm nay và sẽ lỗi thời với ngày mai. Thiết kế sản phẩm vẫn đang cố gắng tìm ra vị trí của nó trong không gian thay đổi nhanh chóng. Chết tiệt, một nửa nền tảng mà chúng ta phải thiết kế cho ngày hôm nay đã không tồn tại cách đây vài năm. Và bạn có thể chắc chắn rằng sẽ có nhiều hơn trong những năm tới.

Chúng ta cần phải linh hoạt. Chúng ta cần hiểu rằng thiết kế là vô tận. Thiết kế là vô hình. Chúng ta cần phải suy nghĩ về nền tảng bất định. Giải quyết vấn đề một lần. Sau đó áp dụng giải pháp. Đừng thiết kế một giải pháp cho mọi nền tảng.

Gần đây tôi đã bắt đầu điều hành một nhóm nghiên cứu nguyên mẫu hàng tuần với nhóm của mình tại Spotify. Mỗi tuần, một thành viên của nhóm trình bày một công cụ tạo mẫu hoặc ngôn ngữ mới mà họ đã thử. Sau đó chúng tôi học những điều cơ bản cùng nhau. Chúng tôi dành bất kỳ thời gian rảnh nào trong phần còn lại của tuần để chơi với nó, để tuần sau tất cả chúng tôi có một cái gì đó tuyệt vời để thể hiện cho những người khác. Cho đến nay, nó rất thú vị và là một trong những cuộc họp mỗi tuần mà tôi thực sự thấy mình mong chờ nhất. Tôi khuyến khích tất cả các nhóm thiết kế sản phẩm ngoài kia xem xét theo chỉ dẫn của chúng tôi. Đó là một cách tuyệt vời để duy trì sự đánh giá về những phát triển mới nhất và liên tục trau dồi kỹ năng thiết kế của bạn.

Thiết kế sản phẩm là lan truyền tri thức

Hơn thế, đây là điều cần thiết. Hãy xem xét đánh giá công tâm những điểm mà tôi đã nêu, chúng ta đang bắt đầu quanh quẩn trong đầu về thiết kế sản phẩm. Và khi tôi nói từ "chúng ta", ý tôi là những Nhà thiết kế sản phẩm. Bạn có biết ai khác hiểu về thiết kế sản phẩm không? Tất cả mọi người.

Thật không may, thiết kế đã được xem là hoàn toàn thẩm mỹ. Họ nói "hãy làm cho nó đẹp". Đây là một nhận thức chúng ta phải thay đổi. Chúng tôi là người quản lý trải nghiệm người dùng và vì vậy nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi là giáo dục những người xung quanh, cấp trên chúng tôi, cấp dưới chúng tôi, về những gì chúng tôi thực sự có thể và nên làm.

Khi bạn tuyển một Người quản lý sản phẩm, bạn thường thấy người đó là một người có kinh nghiệm phong phú và có tính kỷ luật; họ hiểu một chút lập trình phía Front-End và Back-End, thời gian, ngân sách, giá trị doanh nghiệp, phân tích, quản lý,... Theo nhiều cách, đây là cách bạn nên nghĩ về việc thuê Nhà thiết kế sản phẩm. Tất nhiên họ có thể có một bộ hồ sơ đẹp, nhưng liệu họ có thể trở thành một người quan trọng xuyên suốt quá trình phát triển sản phẩm? Một Nhà thiết kế sản phẩm tốt biết một chút về hiệu ứng hoạt hình, tạo nguyên mẫu, lập trình, nghiên cứu, thiết kế tương tác trực quan. Họ biết khi nào nên đưa ra bản thiết kế mẫu, và khi nào đưa ra bản giả lập hoàn hảo đến từng điểm ảnh. Họ biết khi nào nên sử dụng hiệu ứng hoạt hình, khi nào nên làm nguyên mẫu. Họ biết cách truyền đạt một cách thuyết phục với mọi người về những giải pháp của họ.

Thiết kế sản phẩm là như thế

Nhóm thiết kế sản phẩm ở Spotify đã làm việc không ngừng trong những năm gần đây để thay đổi nhật thức (chủ yếu là nội bộ) về Thiết kế nói chung và Thiết kế sản phẩm nói riêng. Đã là một công ty có định hướng công nghệ cao ngày từ đầu, chúng tôi đã phải đối mặt với những ý chí, quan điểm mạnh mẽ không dễ dàng bị lung lay.

Trong thời gian của tôi ở đây, chúng tôi đã đi từ một nhóm chủ yếu là Nhà thiết kế hình ảnh đến một nhóm có kích thước gần gấp năm lần bao gồm: Nhà thiết kế sản phẩm, Nhà nghiên cứu người dùng và Người tạo nguyên mẫu.

Chúng tôi đã đi đến cuối chu kỳ phát triển sản phẩm ("Chúng tôi cần nhấn nút tính năng mới mà chúng tôi sắp ra mắt") dẫn đầu, ("Chúng tôi muốn tìm hiểu tất cả các cách có thể cho phép người dùng khám phá nhạc theo cách mới"). Từ việc trở thành những người xem xét kỹ lưỡng sản phẩm, những người làm cho sản phẩm đẹp hơn, cho đến những người phụ trách vấn đề quan trọng nhất - Trải nghiệm người dùng.

Bạn của tôi, đó là Thiết kế sản phẩm.


Chú thích:

[1] Nguyên văn: Visual Designers put the skeuomorphism into and then out of iOS - có lẽ Eric Eriksson nói đến việc Nhà thiết kế trực quan sử dụng máy tính bảng là iPad (chạy hệ điều hành iOS) vẽ rồi xuất ra bản thiết kế

[2] Nguyên văn: She’ll work late and churn out wireframe after wireframe, exploring the vast realm of possibilities - thật khó dịch sát với nguyên văn, nên phần này chỉ cố gắng dịch theo ngữ nghĩa

Một vài thuật ngữ:
  • Product Design: Thiết kế sản phẩm
  • Product Designer: Nhà thiết kế sản phẩm
  • Interaction Designers: Nhà thiết kế tương tác
  • UX Designers: Nhà thiết kế trải nghiệm người dùng
  • Graphic Designers: Nhà thiết kế đồ hoạ
  • Visual Designers: Nhà thiết kế trực quan
  • Motion Designers: Nhà thiết kế chuyển động
  • Animation Designers: Nhà thiết kế hoạt hoạ
  • User Researchers: Nhà nghiên cứu người dùng
  • Data Analysts: Chuyên viên phân tích dữ liệu
  • Prototypers: Người tạo nguyên mẫu
  • Business Strategists: Nhà chiến lượng kinh doanh
  • Wireframe: Bản thiết kế mẫu. Tương tự như từ blueprint tuy nhiên từ blueprint theo hướng chuyên ngành kỹ thuật
  • Mockup: Bản mô phỏng từ bản thiết kế mẫu, gần giống với sản phẩm thật
  • Prototype: Nguyên mẫu, đây là bản thiết kế hoàn chỉnh để đưa đến cho người dùng thử nghiệm và đánh giá. Thường nguyên mẫu này được làm rất nhanh sử dụng các máy in 3D (đối với các sản phẩm vật lý) hay các phần mềm giả lập có thể chạy trên các thiết bị thật (đối với những sản phẩm phần mềm)

Dịch từ bài viết What is Product Design? của Eric Eriksson.